nghiệp phê bình

dạo này bị chơi game nhiều quá nên không có tâm trí để viết. 3 đứa 3 trò, ông chồng thì dăm tuần thay 1 trò, chạy theo ổng muốn đứt hơi. bỏ đi làm việc của mình thấy chồng tội nghiệp. bụng thì bự hơn mặt, đeo kiếng ngồi cặm cụi, nói lải nhải 5-6 tiếng vô cái mic nhỏ để xây dựng cái channel của ổng mà bạn ổng dụ nếu làm tốt kiếm được hơn chục ngàn một tháng.
chuyện này, tay chủ tsm – đội mạnh trong trò lol đã chứng minh rồi. bạn này gốc việt, chơi game rồi lập đội có tên là solo mid, giờ thu nhập bản tròm trèm 10 triệu. mỗi năm, thu nhập ròng từ đội tsm khoảng 2 triệu. bản mới 24 tuổi.

mình chẳng cản xã mình làm gì. ổng có bề gì, thì mình vẫn sống hạnh phúc và sung sướng phần đời còn lại. thành ra, lúc dượng nói con có thể thay đổi chồng con có những thói quen có lợi cho sức khoẻ. mình trả lời dạ bản thân con cũng không còn thời gian nữa, cơ thể con nó cũng phải lên hơi hàng ngày. tinh thần con có những mối bận tâm khác, nên chuyện bên ngoài thể xác không quan trọng. nếu chồng con í thức được làm việc đó có sống lâu, mạnh khoẻ thì ảnh phải làm cho ảnh vì lợi của ảnh.
dượng gật gù ừ con nói phải. dượng 75 tuổi, ung thư giai đoạn 2, 6 tuần một lần đi xạ trị. má chồng lên lớp đều đặn 5 ngày / tuần để giữ cái bảo hiểm y tế trả phí điều trị cho dượng. mà dượng dễ thương, hiểu biết, nghe con dâu nói vậy mà hiểu, thông cảm, không nghĩ mình là người tồi tệ, ích kỉ, là được rồi.

mà mình mang i vậy nói xã thì xã sợ, xã nói anh mà chết là anh ám em XD. tui có tội gì đâu mà ám. sống đời mình muốn mình khoẻ mạnh, sống lâu, làm được điều mình thích, mình muốn làm thì mình phải tự chăm sóc mình chứ ai ở không hầu kế bên từng phút nhắc mình sống đúng, phải không?
như trong một quyển sách nào đó, quên tên, mẹ yêu con như thế cũng không thể thở giùm con được. (con mình nó đọc mình trả lời nó trên tin nhắn facebook, nó nói mình lãng mạn haha, chắc nó thấy chữ thở đi với chữ giùm con, cặp đôi này trừu tượng).

trở về chuyện chính đi, chuyện này ở đề tựa nè.
mấy hôm trước, đọc loáng thoáng thấy một chị bạn viết status là không ai mượn nói mà cũng nói. hàm í cay nghiệt, chắc viết gì đó về quyển sách mới ra của chỉ. thiệt tình, theo í mình đã làm phê bình thì không nên kết bạn với nhà văn, nhà thơ gì. chỉ một lần duy nhất là mình nghiệm bài này liền, ngay lập tức, thấu hiểu mọi lẽ haha. y như đốn ngộ trong thiền.
lúc mình viết phê bình tập thơ của anh tấn, tập thơ đầu tay của ảnh, phải nói là mình đọc lại còn thấy mình nặng tay. vậy mà, ảnh gửi tin nhắn nói cám ơn mình đã có nhận xét về tập thơ ảnh.
cảm xúc đầu tiên là thấy thẹn, vì có gặp, ăn uống cà phê với ảnh 2 -3 lần. người rất thật thà, chân chất, đúng điệu nghệ sĩ quê mùa, hoa lá hẹ. thành ra, câu chữ dùng, nghệ thuật dù chưa tới – tại thời điểm đó, cách đây 7 năm, giờ tay nghề lên rồi. thì làm sao bắt ảnh viết chuẩn được, í là chuẩn diễn từ nghĩ ra thơ, thành ra vô tay mình nó tan nát.
nhưng ảnh gửi được lời đó là nhờ sếp mình. ổng nói vầy, tấn gửi hơn 100 tập thơ, vừa mắc công làm, vừa tốn tiền in, có ai nhắn lại một lời về tập thơ đó không? cổ – là mình, viết dù đau lòng, nhưng cổ là người đã đọc và nghĩ đến những nhọc công của tấn làm.
ờ, nguyên do đó mà anh nhà thơ bị mình viết tan nát gửi lời cảm ơn mình. cũng từ đó, mình học được bài học cay đắng là, nếu có viết, dù chỉ nhận xét thì tui chỉ nên chọn người lạ gửi cà chua thoai. chứ người quen, mình viết đèm đẹp thì dối lòng mình, mà viết thẳng, dù hiền cỡ anh thành nhân, thì gặp cũng không khỏi chua chát.
mà mình viết rồi, người ta đọc rồi, mặt mũi nào gặp người ta. dù biết, tài năng mỗi người là có hạn, năng lực rèn luyện của mỗi người là cần thời gian.

thành ra, phê bình đi với nhà văn một thời gian là rã đám.
chỉ cần, một sáng đẹp trời, hơi dốt một tí, mày thử nhận xét, chưa lên tới phê bình, truyện mới của tao. là cái lời đó thành nhát dao cắt luôn sợi dây tình bạn giữa hai người.
mà người viết phê bình có cái nghiệp như người viết văn vậy.
viết văn thì thấy câu chuyện hay quá, giả sử, trí tưởng tượng bắt đầu hoạt động, là tình huống đi theo hướng này, thì con người trong ấy sẽ ra sao.
giả sử, câu chuyện không đi theo hướng đó thì cái kết sẽ như thế nào? có lần, có một trang rất hay ở chỗ, nhà văn viết truyện trinh thám, viết gần đến chương kết xong, bỏ lửng hỏi độc giả nên chọn cái kết nào, tác giả cho ra 3-4 lựa chọn. sau này các nhà sản xuất chơi trong game, nếu mình chọn câu trả lời khác nhau sẽ dẫn đến con đường khác nhau.
vậy nhà phê bình ở đâu?

phê bình đầu tiên là thích chỉ trích. nếu chỉ thích chỉ trích thì chưa làm người đọc phục, phải viết được điểm khác nhau giữa – một là tác phẩm này và tác phẩm khác của cùng một tác giả. điểm khác nhau có thể nói giữa các tác phẩm khác nhau của nhà văn khác nhau nhưng cùng chủ đề. theo mình, mức độ này là dễ. mức độ điểm khác và giống nhau giữa tác phẩm cũ và tác phẩm mới của cùng một nhà văn vừa thách thức vừa giới hạn.
thách thức ở điểm, nêu được sự giống khác của nhà văn đồng thời đọc được điểm khác biệt – có thể tiến có thể lùi của nhà văn ( về thủ pháp, về cốt truyện, tính đặc sắc, nghệ thuật liên kết mạch truyện, tính đột phá, mới với nhà văn nhưng cũ trong văn đàn vân vân).
giới hạn ở điểm, đọc một tác giả trong một thời gian dài mới viết được điểm này. nếu hên chọn được nhà văn có bước phát triển nhanh, vượt bậc như nhà văn bùi tấn, thì còn đỡ, còn hứng, nếu xui, chọn nhà văn càng đọc càng lùi như di linh, hoặc gào thì mấy tác phẩm sau, cực kì thử thách với nhà phê bình. mình là mình xuôi từ tập đầu của di linh, và gào.

nhưng cái gọi là tao ngộ, như giữa bá nha tử kì là một ông càng ra sách thì ông bên kia càng phản ứng dữ dội. đó chính là điểm giao giữa nhà văn và nhà phê bình. chẳng biết thù nhau từ kiếp nào mà kiếp này cứ một ông đốt lửa một ông dội nước.
nhà văn không mấy khi can đảm đọc phê bình. ai mà thích đọc người ta chê bai tác phẩm mình vắt hết cả não mới viết được 2 – 3 trăm trang, truyện dẫn dắt li kì như thế mà nó nói là tẻ nhạt. thành ra, nhà phê bình nào lên báo nói tui góp ý cho tác phẩm thêm đặc sắc là tào lao. anh viết đầu tiên là cho thoả cái thích chửi người khác của anh trước đã. sau đó, là anh cần một số ủng hộ viên, dư luận viên vào cái mớ lí thuyết anh tìm thấy trong bóng đêm trước thời đổi mới của người đọc, đặng anh thuyết phục họ tin anh là người cầm cây đèn.
còn cây đèn có thiệt hay không là ở người đọc chứ không phải ở anh. anh tin là anh có quyền đó, thì i như ông nhà văn tin ổng là chúa trời, có thể cho người ta sống hoặc chết trong tác phẩm của ổng.
theo mình thì phê bình cũng là một kiểu văn khác, nhưng nó thứ cấp. nó cần có con mồi để nó phát huy, con mồi chính là tác phẩm. nói cách khác, nhà phê bình ăn nhà văn để nuôi (cái viết) của mình.
rộng ra, ở các lĩnh vực khác cũng vậy thôi, như phê bình hội hoạ, hay phê bình ẩm thực.
nói vậy nên thông cảm với người nói xấu tác phẩm mình, chị ạ, vì họ, tính ra còn khốn khổ hơn mình, không thể tự sáng tác được, mà phải đợi một tác phẩm ra xong rồi ngắm nghía, chụp hình, săm soi, đặt tỉ lệ, so sánh đối chiếu với các hạng khác.
nên ai làm phê bình mà vỗ ngực nói tui có góp phần làm nên sự danh giá của tác phẩm là xạo, – theo í mình thôi. người làm ra nó là người có quyền, còn công chúng biết đến hay không là duyên của công chúng.

Bình luận về bài viết này