một tối thèm đọc sách và nghe nhạc

buổi tối, trên đường về, con trai đã hỏi mình, mẹ thích làm gì, mình trả lời, đọc sách. con hỏi tiếp, mẹ thích ăn gì, mình nói rau. nếu con hỏi mình thích uống gì, mình sẽ nói mình thích uống nước lọc 🙂  Tiếp tục đọc

người đi trên dây

bên cạnh những điều giản đơn và kì diệu, định nghĩa về con người của Maxence Fermine lạ .

trên đời có hai loại người.

những người sống, chơi đùa rồi chết.

và những người không bao giờ làm gì khác ngoài việc giữ mình thăng bằng trên sợi dây cuộc đời.

những người diễn kịch.

và những người đi trên dây. “

trang 122

hai loại người, chỉ hai loại người ở cuộc đời nhiều thú vị này. Hai loại người chứ không phải ba loại người : hạnh phúc, khổ đau, và chấp nhận. thường thì có ba dạng người ở hai thái cực khác nhau và một ở trung dung giữa hai thái cực ấy.

Đó là thế cân bằng.

Vậy thì, chỉ hai loại người đã được mô tả như người nghệ sĩ, nghệ sĩ kịch và nghệ sĩ không hóa thân. Có thể gọi như thế không, khi ta nhìn thấy nghệ sĩ  kịch không có bản ngã của riêng mình, đa nhân cách, như một loài ẩn mình rất giỏi, nhưng không phải, kịch ở loại người này là sống và không màng nhiều thứ bên trong nội tâm kêu gọi của mình.

Nhìn lạ, so sánh lạ, ngay cả cách chọn hình ảnh cũng khiến người đọc ngỡ ngàng.

Nghệ sĩ đi trên dây. Thăng bằng là cái gì đối với người nghệ sĩ ấy? sự tĩnh lặng của tâm hồn? sự tĩnh lặng như một cây văng để con người có thể đi qua cuộc đời không chao nghiêng và ngã quị? đó có phải là những gì tác giả muốn gửi gắm?

Tôi thích đoạn này, trước hết vì nó lạ.

sau, là nó được dành hẳn một chương, một chương chỉ để mô tả hai loại người gần như không thường được nhận dạng.

và cuối cùng, nó là một đoạn dạo nhạc chuyển tiếp trong tác phẩm.

đoạn nhạc chuyển tiếp từ nhà thơ khóc vùi vì chuyện tình chôn trong băng tuyết đến đoạn hạnh phúc của hai người hậu bối, kế thừa toàn vẹn cái đẹp của hai người đã khuất kia.

đoạn văn này, nó diễn tả hết sự sống ý nghĩa cái đẹp, cái đẹp gần như không cần thêm điều kiện gì bên cạnh nó. Nó bình thản, nó dung dị giữa màu trắng của tuyết, màu tinh khiết của câu chuyện tình, và nó trọn vẹn kết thúc trong hạnh phúc. Hạnh phúc không đòi hỏi gì nhiều, đơn giản, vang lừng tiếng tăm ẩn trong miền sơn cước.

Còn điều gì cuộc đời cần nhắn gửi ở “Tuyết” ? còn gì ngoài thông điệp sống đẹp và giản đơn. Sẽ là tinh khiết, sẽ là thanh tao, và tròn đầy.

Kiếp nhân sinh không bon chen danh lợi, đẹp không cần điểm tô.

ánh sáng trong suốt

Tiếng bình vỡ

(nước đông cứng trong đêm)

khiến ta tỉnh giấc

Basho

Tôi chưa đối diện tác phẩm nào thấy lòng mình trong ngần như tác phẩm “Tuyết” của Maxence Fermine.

Nó giản đơn, nó kiệm từ và nó quá sâu lắng trong nó chiều dài cuộc sống của những từ kết hợp trong câu.

“Một cuốn tiểu thuyết cực ngắn, kỳ diệu, trắng ngần, tuyệt đẹp. Một kiệt tác.” www. france- jeunes.net

Còn hơn thế, nó là diễn từ trong im lặng và ứ đầy hình ảnh của chiều sâu trong màu trắng bao la của tuyết, của cái nhìn trong trẻo, đầy mùi thiền của Nhật.

Có thể thoát khỏi chất Thiền ấy không. Có thể ra được những câu văn cứ vụn vỡ triết lý cô đặc của Nhật không. Dường như không.

Khi tôi đọc

“ thơ ca không phải là một nghề. Chỉ là thú tiêu khiển thôi. Một bài thơ, đó là một giọt nước chảy. Giống như con suối này vậy.

Yuko đăm đăm nhìn dòng nước trôi lặng lẽ. Rồi anh quay sang cha mình và nói:

– Đó là điều con muốn làm. Con muốn học cách nhìn thời gian trôi đi.”

Tim tôi ép lại vì chất thấu suốt của chân lý được đưa ra, tinh giản và diệu kỳ.

Như chất Nhật cô đặc trong từng chữ, từng lời. Giọt nước chảy từ dòng suối ở nơi mùa đông được mệnh danh là khắc nghiệt! Người ta có thể nhận thấy chất lạnh, chất sắc và cả cái yên tĩnh của dòng suối nhỏ chảy róc rách nhỏ giọt từ tuyết chưa tan trên đỉnh núi. Nơi ấy, có hai cha con, một già một trẻ im lặng nghe thời gian điểm giọt suối và nghe thanh âm của sự truyền đạt từ một thế hệ sang một thế hệ, nghe lời chỉ dẫn và cả mong mỏi trong âm thanh lời nói.

Để rồi, cái nhíu mày của vị tu sĩ già không ngăn được giọng vỡ ra của chàng trai mười bảy tuổi. “Con muốn học cách nhìn thời gian trôi đi”. Một cái nhìn khiến người ta ngỡ ngàng vì tính già dặn và đầy triết lí! Cái nhìn xuyên suốt chiều sâu cảm nhận nét vĩnh hằng của thời gian hóa thân trong thơ ca. Kết luận ấy, nhận thức ấy, chừng như rất đỗi châu Á, không có nét gì được xuất phát từ một tác gia người châu Âu.

Tôi thích chất thanh khiết của văn hóa Nhật, chất vừa trong suốt, vừa thanh đạm và váng vất nỗi ưu tư, trầm ngâm thế sự bao quanh một màu Thiền, tĩnh lặng và đầy suy tư.

“thế nào là thơ? tu sĩ hỏi.

– Đó là điều huyền bí khó bật thành lời, Yuko đáp.”

Nhưng cũng không kém phần mượt mà

“Một sáng nắng oi ả, một con bướm đậu lên vai áo anh và lưu lại trên đó một vệt sao mong manh bị mưa tháng Sáu cuốn trôi.” Đẹp như thơ.

Những từ mô tả hình ảnh tư tưởng, suy nghĩ đi lên của tâm hồn trừu tượng và bao dung thật đẹp. Nó mở cửa và hướng ra chiều không gian mới ở cảm nhận con người nghệ sĩ.

“ Nó giống như cây cầu nhỏ hướng về phía ánh sáng lung linh. Cây cầu dẫn đến thứ ánh sáng trắng thần tiên.”

Thứ ánh sáng dẫn nhập vào tâm hồn nhà thơ, như dẫn đường và như chìa khóa bước vào thế giới không bình thường, lung linh ánh sáng, lung linh hình ảnh, lung linh cả cảm xúc khó phai ở những điều bình dị.

“Rồi ông khám phá ra rằng ánh sáng và màu sắc chân thật thực chất luôn gắn kết với vẻ đẹp tâm hồn.”

Thứ ánh sáng nào là thứ ánh sáng chân thật? thứ ánh sáng nào gắn kết vẻ đẹp tâm hồn? có phải thứ ánh sáng xuất phát từ tầm nhận thức của tâm hồn, từ cảm nhận của nơi sâu thẳm trong tâm hồn khiến đôi mắt trở nên mù lòa, chỉ còn một ánh sáng nơi nào đó trong trái tim, trong chiều sâu không cảm được, không thốt nên lời nó chuyên chở ánh sáng soi tỏ mọi vật không? mọi vật dường như bình thường đó mà vẫn khác thường đấy.

Mọi vật là Tuyết!

“Yuko, con đã chọn được con đường cho mình rồi chứ?

Chàng trai trẻ quì xuống rồi nói:

– Còn hơn cả thế, thưa cha. Con đã tìm thấy tuyết!”.

Tình yêu Tuyết được tuyên bố long trọng như thế đấy. Tình yêu màu trắng, tình yêu trên năm hướng và cùng nhìn được từ hai người, hai thế hệ, hai suy nghĩ và hai kết cục, bế tắc và rộng mở.

Như tôi đã nói, ở tác phẩm này tôi nhìn thấy chất Thiền của màu trong suốt. Ngay cả lý giải về nghề viết cũng đẫm màu suy tư, vào cõi sâu của chiều dài thanh sắc.

“ Tại sao nghệ thuật đi trên dây lại có ích cho con?

Soseki đặt tay trên vai chàng trai trẻ, giống như ông đã từng làm một tháng trước.

– Tại sao ư? Bởi vì nhà thơ, một nhà thơ thực sự, nắm bắt được nghệ thuật trên dây. Viết, đó là tiến lên phía trước, từ nối tiếp từ, trên sợi dây cái đẹp, sợi dây của một bài thơ, của một tác phẩm, một câu chuyện còn ẩn giấu trên trang giấy. Viết, đó là tiếp bước lên phía trước, bước nối tiếp bước, trang này tiếp trang khác, trên con đường của cuốn sách. Điều khó nhất không phải là rời khỏi mặt đất và đứng thăng bằng, với sự trợ giúp của ngòi bút, trên sợi dây ngôn từ. Cũng không phải là thẳng tiến theo một con đường liền mạch đôi khi bị ngắt quãng bởi những choáng váng thoảng qua như một dấu phẩy hay dấu chấm xuống dòng. Không, khó khăn nhất đối với nhà thơ là làm sao giữ mình liên tục trên sợi dây dòng viết, sống mỗi giây phút trong đời mình như đang mơ, và không bao giờ bước xuống, dù chỉ một chốc lát, từ sợi dây suy tưởng của mình. Vậy đó, điều khó khăn nhất là trở thành người nghệ sĩ đi trên dây ngôn từ. “ [trang 102]

Tôi nghĩ không hình ảnh nào mới lạ, tinh tế và đẹp hơn diễn tả điều này. Nghệ sĩ đi trên dây ngôn từ là nhà văn!

Chính vì những điều giản đơn trong suốt ấy khiến tác phẩm “Tuyết “ gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Một tiểu thuyết cùng với sự tinh tế, tinh xảo trong từ và ngữ, gần như không thể mảnh hơn và cô đọng hơn của chất liệu tiểu thuyết mà Tuyết tạo dấu ấn trong lòng người đọc dấu phẩy khó phai.

Khi đọc những dòng đầu tôi liên tưởng đến Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek vì chúng cùng một dạng ngắn gọn, sâu và mảnh, dẻo dai trong tình ý diễn đạt. Nó chở suy nghĩ trên thân mảnh của từ và kết cấu câu.

Nhưng, ở Tuyết, nó mang đậm chất Nhật, cũng như ở Tình ơi là tình mang chất tự truyện, thuật lại một chuỗi sự kiện.

Tuyết đẹp theo kiểu thanh khiết, Tình ơi là tình đẹp theo kiểu phồn thực, cứ ngồn ngộn sống và hình thể, trong khi Tuyết đẽo khéo và mảnh mai của vùng châu Á mắt xếch.

Ngòi bút khiến người đọc không chê vào đâu được là điểm chung của hai tác giả.