một mảnh tình con

phan việt ra sách mới. chỉ không có bán trên amazon để mình có thể mua cho kindle của mình. haiz, giờ, chờ ai đó làm pdf thì đọc sách có bản quyền. chị việt ơi, chị làm em phải đọc sách ăn cắp rồi.
không chỉ có sách của chỉ, mà mình còn tìm được bản pdf của cuốn việt ngữ nghiên cứu của phan khôi. thời may, lại tìm luôn cả cuốn ngôn ngữ việt nam của nguyễn bạt tụy. hoá ra, tác phẩm chữ và vần khoa học của ông ấy được xuất bản năm 1956-1958. vậy là, lỗi đánh máy trong lời tựa ở cuốn từ điển chính tả (1995), hoàng phê. mở ngoặc, không biết có cố ý không nữa là tựa tác phẩm của nguyễn bạt tụy bị đánh sai hoàn toàn, đóng ngoặc.

chiều qua, trên đường ra sân bay seatac, mình nhắn tin cho cô bạn. thoai, bạn ở lại khoẻ, mình về vegas lại đây. tự dưng ngồi trên máy bay rươm rướm nước mắt. cô bạn cổ có đọc cổ cũng tưởng mình bị gì vì tình cảm hai người cũng không đến nỗi bi đát như thế.
mình rươm rướm vì nhớ lại hồi cô mình từ dưới quê lên. cổ ăn cơm với gia đình mình, xong cổ nắm tay mình, rồi nói mai cô về rồi, không biết khi nào lên lại. thôi con ở lại mạnh giỏi.
cổ nói vậy mà mình lúc đó, mới hai mấy, còn ham chơi, thấy kì kì, i như bạn mình bây giờ. có gì đâu mà quyến luyến, cô lên chơi rồi mai mốt cô lên nữa. con vẫn ở đây, có đi đâu. mình không nghĩ mình có ở hoài một chỗ đâu. rồi mình cũng không biết mỗi lần cổ lên là mỗi lần khó đâu. cổ là một trong những cô tình cảm với mình nhất, với ba mình nhất.

sau đó, anh họ mình lên thành phố khám bệnh. hàng anh họ mình, con chú, con bác, con cô lên đến hàng chục người lận. ảnh lên, rồi ảnh về, cũng nói i như cô mình. ảnh nói mai tao về rồi, bữa nào mày về quê chơi, giỗ ông nội mày là ông ngoại tao, nhớ ghé nhà tao chơi nha mậy. vợ chồng mày ở lại mạnh giỏi. dạ anh về, em xuống thì em ghé anh chơi.
tới chừng xuống nhà ổng, nhằm lúc vợ chồng ổng cơm không lành canh không ngọt, vợ chồng mình hứng hết trơn haha. chị tư * giữ giùm em cái phần văn hoá qúi báu của miền đồng bằng nam bộ, vì em biết, rồi nó sẽ tàn phai theo tháng năm. ngôn ngữ bây giờ trôi nhanh lắm. vợ chồng em đây, giờ chồng nhìn màn hình – màn hình vi tính, màn hình điện thoại, màn hình kindle, màn hình tivi nhiều hơn nhìn mặt vợ.
cái thời người ta ăn rồi nhìn mặt nhau nói chuyện nó xảy ra xa lắc rồi. giờ mọi người, nhất là nơi công cộng, cắm cúi vô màn hình thoai. thậm chí, tối qua, trên pano quảng cáo, thành phố vegas còn phải nhắc “thà là unread còn hơn dead” nữa là.

hai giờ bay là hai giờ không được chơi gì trên điện thoại nên mình có thời giờ đọc sách.
xã mình ngày nào cũng đọc dăm trang trước khi ngủ. nhưng đa số là sách tiểu thuyết. trong khi kindle của mình toàn sách non-fiction. thể loại này tập trung vô sách nghiên cứu ngôn ngữ là chủ yếu. bữa qua, tìm được pdf của quyển “những phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc” của ông Zellig Sabbetal Harris. quyển này do ông cao xuân hạo dịch, dịch đọc khó hiểu lắm. nhưng có còn hơn không. mình mua bộ 3 quyển do bên phương nam phát hành. không biết phương nam còn phát hành sách nữa hay không, đầu sách họ chọn phát hành rất tốt.
họ như bên nhà tri thức, chịu khó đầu tư vô đầu sách nghiên cứu mà ít người mua.
nhưng đọc cuốn ngôn ngữ việt nam của nguyễn bạt tụy mới là xúc động. ổng viết hồi năm 1956 mà giờ vẫn i tâm trạng như vậy.

“…

“còn những người tìm tòi để tìm tòi kể ra rất hiếm, vì nếu không có một nguồn lợi riêng để sống, đó là con đường đưa đến nghèo nàn túng thiếu và tuyệt vọng, vì những hi sinh của mình người đời không biết đã đành, mà ngay đến kết quả của những hi sinh ấy cũng không ai hiểu nổi.”

ảnh: trang 9 – 10 trích trong Ngôn ngữ học Việt nam (1958), Nguyễn Bạt Tụy (nxb?)

mấy chục năm qua rồi, tiếng việt vẫn còn như thế, mà xem ra còn tệ hơn cái mốc ngay thời này, vì các công trình nghiên cứu sau này, không mấy phổ biến và tạo được tiếng vang, dù nó mang cấp bộ hay được sự hỗ trợ của chính phủ.
mình nghĩ chỉ cần tiếp theo í kiến này, như ông hoàng phê viết năm 1995, ông ấy đã nói chỉ cần theo các kết quả đã có trước, hiệu đính, hoặc bổ sung yếu tố “ngày nay”, thực tế hàng ngày cũng đủ tốt.
như vậy, yếu tố địa lí có làm cản trở việc nghiên cứu hay không? vì trên trang vienngonnguhoc vẫn thường xuyên có các buổi nói chuyện về các đề tài nghiên cứu tiếng việt của người nước ngoài. theo mình thì, sống bên trong việt nam viết tốt về tiếng việt hơn bên ngoài. như trong cuốn sách ông tụy có nói, ngôn ngữ là tiếng nói của một “hội sống” – nhóm người sống cùng nhau, gần nhau, dùng biểu tượng phát âm được để truyền đạt thông tin cho nhau.

hôm nay viết ít vì nhiều cảm xúc. khi cảm xúc nhiều quá phải đợi nó tự giải trừ rồi mới viết tiếp được XD.

 

Bình luận về bài viết này