japanese style originator

bạn netflix cho xem mùa đầu tiên của chương trình truyền hình này. mỗi tập dài hơn một giờ. mình đang xem đến tập thứ tư. mỗi một tập, sau khi xem xong, ý thức mình lại tăng thêm một chút.
chợt nhớ lại một còm của cô bạn, em học người nhật hoài vẫn không học hết được cái hay của họ.

thời gian qua, có nhiều chuyện trong gia đình, tác động mãnh liệt đến tâm sinh lí mình. phát hiện ra làm dì ghẻ thiệt không đơn giản. làm một dì ghẻ trung dung là hết sức của mình rồi. lên đến tốt có thể vượt ngưỡng chịu đựng.
chuyện đó, tạm thời bỏ qua một bên. khi nào đi làm được, mình hi vọng mọi chuyện sẽ ổn. nếu không ổn cũng bắt (nó) ổn. dí nó xuống tận bùn cho nó mau hoá bùn.
bởi vậy, cái tiêu đề mới là tên một chương trình truyền hình, nếu để cái tiêu đề là “một thực tại” phũ phàng, nội dung sẽ đi xuống địa ngục. tạm thời mình không đọc tin tức ở việt nam, tiêu cực đến mức hết hồn. hôm rồi, mẹ nói tao nghe triều tiên sắp đánh mĩ nên nhiều người việt ở mĩ bay về việt nam. mình nghe xong nghĩ chắc thế giới có hai nước mĩ.

trở lại chủ đề ở tiêu đề, kẻo đi lạc.
mỗi tập phim của chương trình japanese style originator sẽ là: giới thiệu chủ đề, sau đó, nói qua người chơi, có 5-6 người chơi được xem phim tài liệu, và trả lời câu hỏi của chương trình. người chơi hoàn toàn là người nhật, có 2 nữ và 3 nam, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, độ tuổi cũng khác nhau. nhưng để thu hút người xem, chương trình cũng giới thiệu nội dung cơ bản trước khi đặt câu hỏi, để người xem cũng có thể nghĩ câu  trả lời.
có một phần được gọi là crafman. đưa sơ lược vài khung hình rồi hỏi với những chi tiết như vậy, người này đang làm cái gì.
đây là một nội dung trong phần đó. người ta thu hoạch một đống quả, trái nhỏ, cắt cành cho vào một nhà kho, rồi để hai năm như vậy. sau đó, họ cho vào một thùng gỗ to, như thùng nước mắm của mình, đun lửa nhỏ. rồi mang nó ra ép, ra được một chất lỏng bỏ vào từng tô sành. chất lỏng này sánh lại. người đàn ông thứ nhất mang chất lỏng sánh đến người đàn ông thứ hai.
ông này đổ ra một cái chậu bằng sành, nằm trong một cái lỗ nhỏ để giữ cái sành không di động. người đàn ông thứ hai lấy mấy  thanh tre được vuốt mỏng, khoảng năm thanh, gập chung lại, rồi lấy tay bóc từng miếng sánh trong cái sành đắp lên cái cây. y như người mình làm nhang, ổng se lại, chiều dài khoảng bốn mươi cm. sau đó ổng để khô, rồi tiếp tục đắp chất lỏng kia lên. ổng làm như vậy 20 lần. sau đó ổng gọt cái cọng hơi to kia cho ra dáng thuôn dài. hong khô.

ổng làm ba lần, tổng cộng khoảng 50 lần đắp và vuốt. bó cây ban đầu giờ to lên với đường kính khoảng 3cm. lần gần cuối, ổng lấy dao cắt phẳng một đầu. đến đây người dẫn chương trình hỏi mọi người nhận ra đây là cái gì chưa? mình thì nghĩ giờ giống một loại dầu, vì công đoạn ép ra nước một loại quả thì giống dầu đậu nành hoặc tương.
người đàn ông tiếp tục gọt cho tròn cái cây đó. sau đó, ổng mang đi đốt. đó là cách làm nên cây đèn cầy truyền thống của nhật. cây đèn cầy này không thổi tắt được, mùi hương thân thiện với môi trường. nó không chảy sáp ra ngoài thân. khỏi nói cũng biết giá của cây đèn không rẻ. tất cả công đoạn đều làm thủ công, và các vật dụng đều bằng đất hoặc bằng gỗ. ông làm đèn này là đời thứ tư của gia đình.
hôm nay thì mình được xem hái trà của nhật.

trà được trồng và bắt đầu hái sau 88 ngày đêm dưới ánh mặt trời mùa xuân. trà được hái 3 lần trong năm. lần đầu vào mùa xuân, khoảng cuối tháng 2. lần thứ hai vào mùa hè, khoảng tháng 5 tháng 6. lần thứ 3 vào giữa tháng 10. lần thứ ba là trà bacha. để phân biệt các loại trà khác nhau như thế nào, cụ thể là nắng mặt trời thay đổi ảnh hưởng đến màu trà, họ rót trà được hái vào mùa xuân và mùa đông. màu trà mùa xuân xanh lá nhạt, và trong. màu trà mùa đông, màu xanh hơi ngả sang vàng.
màu trà khác nhau như có phép thần, làm sáng rỡ sự ảnh hưởng của vòng quay mặt trời. vòng quay khép kín của thiên nhiên, lí giải sự tuần hòan ở mọi vật, ảnh hưởng lẫn nhau lên đời sống con người, nó đập cái bốp lên đầu mình về ý thức bảo vệ môi trường vốn dĩ mình vẫn cố bám theo mà hơi hụt (lí) lẽ.
người hái trà không được trang điểm, cũng như sử dụng bất cứ hoá chất nào trên người, vì sẽ ảnh hưởng đến mùi trà. trà được hái trên ngọn cành, đúng 3 lá, lá giữ ngọn và hai lá hai bên. sau đó, được mang về cho một người sấy bằng tay. sấy đúng nhiệt độ 37 độ. khi được hỏi sao không dùng máy, ổng đưa ra ghi chép cẩn thận của người xưa về việc tại sao nhất định phải dùng tay để sấy.
cái khay bằng thép, bên dưới có lửa khè để giữ khay luôn nóng. khi được hỏi sấy bao lâu thì xong? ông thợ sấy trả lời, một khi đã sấy trà thì không được nghỉ, cho đến khi ba lá trà xoắn lại thành một cây tăm là được.
để minh hoạ sấy bằng tay như thế nào, người ta cho vào chén nước nóng, lá trà từ từ nở ra, màu xanh tự nhiên như lúc hái. người làm phim giải thích, làm bằng máy, lá trà sẽ vỡ ở giai đoạn này.
sau đó đến giai đoạn uống trà ở nhiệt độ nước là 70 độ c.

cái bảng giải thích lí do sấy bằng tay được viết từ thế kỉ 14 thì phải, dài mấy trăm chữ.
ngón tay trỏ của người phụ nữ hái trà bị nhuộm đen từ mủ cây. cây trà xanh, là thứ trà chất lượng, được trồng dưới giàn tre, phủ mành bên ngoài để hạn chế ánh nắng. khi mở ra, các búp trà mềm và trong hơn các cây trà trồng bên ngoài.
trà tháng 10, lá cứng hơn nên thợ sấy dùng một cán mỏng để sấy trà.
trà ở kyoto nổi tiếng nhất. dân vùng trồng trà còn làm món lá trà chiên giòn với bột, và đầu hè, họ còn dùng lá trà xào với nấm.
sáng nay, bobby hỏi mình, phải ở việt nam xuất khẩu linh kiện điện tử là nhiều nhất không? mình nói không phải, cà phê được xuất khẩu nhiều nhất. starbuck với nestle qua việt nam mua hạt cà phê. thứ nhì là gạo. nhưng ngay lập tức mình nhớ gạo 2 năm gần đây bị dư lượng trừ sâu. cũng như tôm.
xem phim về trà nhật mà nghĩ sao người làm phim việt nam không làm trà ở bảo lộc- lâm đồng? nhiệt độ ở đây tương đương ở nhật, nên nhật khoảng 5 năm trước sang việt nam thuê đất trồng washabi và nấm linh chi. đất đỏ ở đơn dương màu mỡ. giá thuê đất cũng rẻ.
chỉ sợ có mỗi một điều, nông dân việt nam không chịu khó và tinh tế như nông dân nhật.

lại nghĩ đến một câu kết ở bài viết về ẩm thực việt trên soi, anh tác giả đã nhận xét ẩm thực việt 3 cấp công phu, 4 dòng kĩ thuật đều chưa đạt.

câu này mình hay nhớ lắm, vì nhắc mình, một dân tộc mạnh là dân tộc có thói quen học hỏi, và phát triển trên nguồn nguyên liệu có sẵn. người mình có nguồn tài nguyên mạnh, nhưng sao mai một dần chất lượng cao. tầng lớp tinh tuý, nghệ nhân đã đi đâu?

ps:

kĩ thuật hái đọt trà với hai lá lụa gọi là isshin_niyou
nghệ nhân dùng tay sấy trà gọi là tetomi – sấy trên bàn hoiro
trà hái đợt 2 gọi là sencha, đợt 3 là bancha
trà nằm trong bóng râm 3 tuần trước khi hái khi hái được gọi là trà gyokuro
houjicha là trà được sấy ở nhiệt độ cao hơn 36 độ.

Một suy nghĩ 3 thoughts on “japanese style originator

    • loinho viết:

      thưa cô, con thấy nhà ngoại con làm nông dân 3 đời nhưng không có thói quen ghi chép, cũng không tìm hiểu căn cơ về đất, khí hậu, nguồn nước. con nghĩ vấn đề là phải được ghi chép cẩn thận và phân tích, như vậy vụ sau mới tốt hơn vụ trước. chuyện làng nghề cũng vậy. đa số dựa trên trí nhớ, kinh nghiệm của những trưởng bối, nhưng vẫn phải lưu lại kiến thức của họ, rồi phát triển.
      về mặt xã hội, trải qua nhiều biến động chính trị, ảnh hưởng đến đời sống, khổ cái chính trị bên nhà lại thích tấn công trực tiếp vào đời sống- nên bị tổn thương nặng nề.

Bình luận về bài viết này