người trẻ mong gì ở người già

bắt đầu bằng việc một tờ báo nổi tiếng ở saigon ngừng xuất bản. trong dòng dư luận đa phần tỏ tiếc nuối cũng có người nhắc đến việc trong lúc vedan thả nước độc vào sông saigon, thì tờ báo này đã dung dăng đăng một sự kiện thông báo dòng sông đồng nai trong xanh vời vợi.

tôi công nhận rằng anh bạn mình có chút cực đoan trong một thông tin nhỏ như vậy. nhưng anh cũng đã theo dõi trong một thời gian dài để thù vặt cái tin như thế trong giai đoạn như thế để nó lộ ra một chút sơ hở, thiếu nhất quán trên con đường truyền thông tin. 

tôi tự hỏi, vì sao một tờ báo chiếm đa số cảm tình của người đọc lại có những sơ xuất gần như một phần cố tình như vậy?

trở lại khoảng gần 20 năm trước, khi tờ pháp luật thành phố ra đời và tổng biên tập một tờ báo khác phải di chuyển công tác về nắm một tập san ngoài rìa của đàn anh trong ngành rồi phát triển thành tờ báo sở hữu một trong những sự kiện thương mại lớn nhất nước. một người tài năng như vậy không thể nào để có sạn trong nội dung mình chịu trách nhiệm và phụ trách.

tôi vốn không thích tờ báo này, hẳn có một lí do nào đó đã khiến tôi cho rằng nó thiếu tính dẫn dắt. thứ nhất, tờ báo đã chọn chuyên mục ôn hoà, dù rằng có gắn mật thiết với đời sống người sài gòn, nhưng đã làm dịu nó đi bằng tên chuyên mục tản mạn hoặc có chút gì đó hài hước. thứ hai, các tác giả trên tờ báo là những người viết được, nhưng không phải là những người viết “máu”, đây là dấu hiệu nhận biết rằng tờ báo theo đường lối trung hoà, không chủ trương bạo động và cách mạng. một phần nào đó, sự khôn khéo nằm ở việc chọn đăng các cây bút đang có uy tín, để thu hút tầng lớp trí thức. nhưng cũng né luôn phần tranh luận, vốn một tập san đàn anh khác mạnh dạn cắt lớp các nghị quyết. thảo luận ôn hoà ở bậc uyên thâm hơn.

tôi không đồng tình như vậy. người sài gòn có đời sống chính trị đa số ôn hoà, nhưng có một thành phần cấp tiến cũng ôn hoà không kém. thành phần này đủ khôn khéo tránh bạo động do cách dùng từ và khía cạnh quan sát, nhưng nhìn rõ  cục diện thời cuộc. một phần trong họ được sử dụng ở mảng kinh doanh, còn mảng văn hoá và nghị luận vẫn bỏ ngỏ.

thời gian cuối, tờ báo đã bị khai tử này dần làm nhạt mình bằng các quảng cáo và bài viết kém chất lượng. cái chết đã được chuẩn bị từ một năm trước. thế mà, gần đây, các cộng tác viên mới lên tiếng chia buồn. cũng như trong buổi tang lễ, không thể nào nói xấu người chết. với đa số cộng tác viên không nhìn thẳng sự việc như vậy, có lẽ, họ đã chọn cách ngầm hiểu cho có vẻ thông cảm.

thế thì, một tờ báo có tuổi đời hơn 20 đã chết, vì nó còn non trẻ và đã chọn con đường không tranh đấu, hoà bình và có chút nhu nhược. nó sẽ bị giết bởi người có quyền, và nhạt dần trong lòng người đọc vì cái cá tính nhàn nhạt của nó.

rồi sẽ có người anh em tương tự nó ra đời bởi một công ti truyền thông cá nhân. để rửa tiền và câu quảng cáo. lồng vào đấy các bài viết chất lượng và núp dưới việc biếu không ở các quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu.

đó sẽ không còn là tờ báo có danh dự như nó đã từng có trong quá khứ.

cũng giống như một lời đề nghị nâng giá vé tham dự sự kiện cho khách mời, để khách mời trả luôn phần mình của một người bạn. mua danh dự với giá rẻ bèo bằng tiền.

không phải vô cớ tôi nhắc đến cái chết của một tờ báo. tôi muốn nói đến vấn đề nếu lớp người đi trước vẫn chọn hoà bình, an phận, an toàn để sống thì không có gì xây dựng một lớp trẻ đấu tranh, khôn ngoan, sáng tạo được.

sự lựa chọn của lớp dẫn dắt đã đánh mất sự phát triển của lớp sau và không thể kì vọng dân tộc có một phát triển vượt bậc.

một tờ báo thường thường chết, và bao tiếc thương dành cho nó. nó đã để lại gì cho xã hội ngoài sự giải trí có chọn lọc hơn một chút và ôn hoà?

Bình luận về bài viết này