học

trưa qua ngồi trên mạng tìm đọc những chương trình miễn phí từ đại học dành cho mọi người university of people. lúc trước, cách đây 2 năm mình đăng kí học chương trình trên này rất dễ, chỉ cần theo một khóa học, sau đó, thi là được, làm bài luận nghiêm túc.

lần này lên tìm trang web, tìm hoài chỗ để đăng kí nhập học không tìm ra. mới biết rằng dẫu chương trình miễn phí nhưng cũng có lúc những người nghĩ ra chương trình này họ cảm thấy rằng không đủ sức nuôi dưỡng ước mơ mang đến kiến thức cho mọi người. nếu bạn có tình cờ tìm ra được trang web này sẽ nhìn thấy những cột dành cho người tình nguyện tham gia chương trình.

và hiện, đại học dành cho mọi người cũng chỉ mở có 3 chuyên ngành phổ biến. nói chung là làm biếng viết hết thông tin, nếu bạn quan tâm thì tìm trên mạng sẽ ra thông tin và tìm sâu hơn nữa. mình vẫn chung thủy với ý tham gia học chuyên ngành tâm lí học. vì chuyên ngành này hiện nay đang tích hợp với những ngành khoa học khác rất rộng. 

và vì nó một phần mình đã chọn sống ở mĩ. một trong những trường đại học có chuyên khoa tâm lí hàng đầu là đại học stanford, nhưng mình không chọn nổi hạng nhứt, vì giá cả đắt đỏ, nên mình chọn hạng trong mười hạng đầu. để bắt đầu cho việc học của mình vào năm 2018 thì mình phải tìm đọc sách các vị giáo sư trong trường đó đã viết. và tìm hiểu các phân ngành. thực ra mình vẫn chọn trong ngành tâm lí xã hội học, social psychology nhưng trong chuyên ngành này cũng có những ngành nhỏ khác.

hôm qua mình lên trang web của trường berkeley thuộc đại học california để tìm hiểu sơ các vị giáo sư thỉnh giảng. trường này có chuyên khoa psychology được xếp hạng sau stanford và học phí thường cũng không rẻ. sau khi vào đây tìm đến thông tin các vị giáo sư và các chuyên môn họ giảng dạy kèm theo thông tin các đề mục sách họ tham gia vào thì mình bắt đầu thấy buồn ngủ.

trạng thái buồn ngủ là khi não làm việc quá mức so với chức năng/ sở thích thông thường của nó. đối với người khác là nhức đầu và mất sức tập trung, còn mình thì rơi vào trạng thái hơi mê man. chứ não thì mỗi con người sử dụng chưa đến 10% chức năng mà não có thể hoạt động. chỉ cần đến 30% là thuộc hàng siêu khủng thông minh rồi.

nên người bình thường như mình sử dụng chỉ tầm 10-15% là hết mức. chẳng qua buồn ngủ là do hoạt động hơn mức bình thường thì nó phản ứng lại, như mình đi tập thể dục thì về cơ bị căng ra.

nói lòng vòng như vậy về chuyện học thì không phải chuyện vô lớp, đăng kí khóa học là học mà về cơ bản kiến thức trên các trang, thông tin trên mạng cũng nhiều, nhưng tìm đúng đường để nghiên cứu thì phải xem lại. chứ mình thì thường đọc theo cảm tính nghĩa là thích thì theo chứ không theo chuyên sâu. hồi đó, cô bạn mình có hai bằng đại học, mình bảo học thuật thế giới họ thích chuyên sâu hơn là rộng. mặc dù não mình thích làm việc theo chiều rộng, nghĩa là việc thích/ biết là một chuyện nhưng nếu không có đủ tài năng, cơ sở vật chất – ở đây là tính cách làm việc của não mình – sự tương thích hoạt động dẫn đến hiệu suất cao nhất mà mình không làm được thì đành chịu.

trong trường hợp của mình là não mình liên kết rất nhanh thông tin các ngành khác nhưng chuyên sâu thì phải nhìn lại. mình thì muốn chuyên sâu. nói chung, biết điểm hạn chế là một ưu điểm rồi.

tối hôm qua, trong lúc ăn tối thì chồng mình lấy phone ra học node.js – một chương trình giống java.js nhưng hơi khác câu lệnh một chút. anh bạn mình có thói quen khi ăn thì làm một cái khác, xem phim, đọc tin tức, hoặc học cái gì đó mới. cho nên mới 46 tuổi đường trong máu cao hơn người bình thường 10 lần. mình thì thấy đúng như ông bà ta nói ăn phải trông nồi ngồi trông hướng, ý không phải chỉ có ý tứ mà còn là một hành động, khi ăn không nên làm thêm cái gì khác. não thì có bổ nhưng cơ thể thì bệnh. mình có nói với ảnh là không nên làm cái gì khác trong khi ăn, nhưng ảnh thích như vậy.

thôi thì giang sơn khó đổi bản tính khó dời, ý là con người sinh ra thì không thay đổi được đất nước mà đã có thói quen thì chết cũng không bỏ. cho nên, trong thiền quán có một câu khá nổi tiếng là now and then. hiện tại bây giờ. câu này viết trong cuốn sách tâm trí mở lòng tay của kosho uchiyama. lúc tham gia biên tập cuốn này, mình có hỏi dịch giả vì sao chọn tâm mở trong lòng tay  dịch từ opening the hand of thought, thì ông có nói việc này không dễ giải thích hoặc có giải thích mà mình quên mất tiêu rồi, hôm nào về việt nam hỏi lại. trong cuốn sách này có mô tả việc tâm trí chúng ta đi lang thang, lòng vòng ngay trong thực tại. thể hiện rõ nhất ở câu tôi có nhiều chuyện suy nghĩ quá, mà cuối cùng chuyện gì không ra chuyện gì.

mình có một chị bạn tham gia một khóa thiền, chỉ nói thầy dạy chỉ cần khi đi biết đi, khi ngủ biết ngủ, khi ngồi biết ngồi, và khi ăn biết ăn là được. mấy chuyện căn bản như vậy nhưng hầu như nhiều người quên. nhất là khi xem trong tình huống hoảng loạn thực sự, thì chính sự lúng túng không rõ cái gì của con người mới tạo nên bi kịch, chứ bản thân sự việc không trầm trọng như thế.

thế nên, việc dễ nhất để anh bạn mình hiểu tầm quan trọng của việc ăn là ăn là nhìn thấy mình thực hành việc đó. cũng giống như đứa trẻ trong nhà, nói trăm điều hay không bằng cứ làm như vậy một hai lần, lập tức nó bắt chước, học theo rất nhanh. nói vui là bạn mình thì không phải trẻ, cũng không phải làm một hai lần là him có thể thay đổi. sống với nhau đến nhiều năm lận, thôi thì mình cứ tu tập hàng ngày, cho khỏe mình trước đã.

trở lại buổi chiều tà hôm qua, khi trên đường về, anh mở bản nhạc i’m the highway của audioslave. trong chạng vạng của ngày, trong ánh sáng đèn vẫn còn cạnh tranh bởi chiều, mình thấy nhớ nhà. và nhớ đến cô bạn đã tốt nghiệp tiến sĩ văn hóa nhật ở nhật bản, em mệt mỏi lắm chị vì phải học đuổi theo người nhiều. chỉ mong có thể trở về quê nhà làm giảng viên dạy lại các bạn văn hóa nhật bao nhiêu năm được học ở đây.

chỉ mong mình không bị việc học đè vì như vậy nó không đúng tinh thần học hỏi của nhân loại 🙂 học là phải vui.

PS: hôm qua ba chồng nhắn tin con cho ba hỏi chủ nghĩa xã hội việt nam có khác ở nga không con 😀

Bình luận về bài viết này