bị chữ

hôm qua ngồi đọc blog của một bạn dịch giả. nhiều năm trước, trong một lần tình cờ tìm đọc và được giới thiệu dịch một truyện ngắn của milan kundera, mở ngoặc là do đụng chạm đến những người nổi tiếng đương thời nên mình sẽ giấu tên để mình viết được thoải mái và mang tính cá nhân triệt để.

mở ngoặc thứ hai là mình giấu tên những người liên quan trong bài viết nhằm không mang tính định hướng mà chỉ mang tính chia sẻ cái nhìn của mình hehe.

bởi vì, kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc chia sẻ những vấn đề liên quan đến tốt xấu của một người khác/ cá nhân khác ta không nên chỉ đích danh vì tính nhất thời quan điểm ta và sự hạn chế trong nhận thức ta thì ta biết nó vô hạn. nói một cách khác theo như einstein tôi biết cái tôi không biết.

hôm qua ba chồng mời vào phòng kín trên mạng trao đổi về việt nam và mĩ, sự khác biệt trong cuộc sống. mình theo sự cẩn thận thông thường đã nêu ra 3 điểm, một là mình nói chuyện theo cách cá nhân và hiểu biết hạn hẹp của mình. 2 là đây là một trao đổi riêng tư, ba là mình rất thích trao đổi nhiều người vì có điều kiện học hỏi thêm. ba chồng mình thì 74 tuổi, ông nói trong tương lai, nhóm sẽ có thêm người, mà mình đồ rằng chắc cũng tầm tuổi ổng. sáng nay, nhận được hồi âm, ổng đồng ý hai điều, riêng điều thứ hai về sự riêng tư, ổng nói không có cái gì gọi là riêng tư trên mạng. nó làm mình nhớ lại câu chuyện giữa hai cô gái, tao nói cho mày biết thôi nha, mày đừng nói ai nghe, ừ, tao chỉ đưa lên facebook tao thôi hehe.

hôm qua ngồi đọc blog một người nổi tiếng đương thời đâu hết một buổi chiều. bạn í đúng là nhiều chữ, bài viết nào cũng không dưới 3 ngàn chữ trong khi mình ngồi viết, nghĩ lắm, dắt từ chuyện này sang chuyện kia lắm cũng được hơn 1 ngàn. kể ra cũng ganh tị thiệt.

như những năm về trước, trong một tình cờ tìm đọc bản dịch một truyện ngắn của milan kundera mình phát hiện ra cá tính của 2 dịch giả, và mình dự đoán rằng họ sẽ chẳng đi chung đường trong vòng nhiều năm tới. và quả vậy, sau 6 năm họ đã đi hai con đường khác nhau. một người theo hướng nghiên cứu và một người theo hướng chơi chữ.

chơi chữ trong nghĩa của văn chương là dùng chữ để chơi người đọc. nói một cách khác, người đọc và người viết phải cùng một tầm hoặc cùng một lĩnh vực hoặc cùng một sự hiểu, nếu không, người đọc sẽ rơi vào cảm giác bị lừa, tìm không đúng thực chất của người viết. việc này phổ biến ở nhà văn h, người được đề cử giải nobel văn chương 4-5 năm gần đây nhưng không được đoái hoài, chỉ nằm trong hạng mục sách bán chạy.

thôi thì không có tiếng thì có miếng. mình cũng không thích nhà văn này, vì ông ấy không hướng đến nhân văn, không hướng đến tính người. trong tác phẩm ông ấy chỉ có mỗi cái tôi của ổng, và ổng dùng chữ như một nét vẽ, bức tranh nội tâm sống động câu chữ lộng lẫy, huyền bí, dẫn dắt và mộng mị nhưng tính nhân văn của câu chuyện thì ít chứ không nhiều. đọc xong có cảm giác vừa thoát khỏi một mê cung mà không có cảm giác yêu thêm đồng loại như đọc những tác phẩm của coetzee hay vừa chơi chữ vừa táo bạo trong cách mô tả xã hội như jelinek. một số nhà văn mình cũng dùng cách này để đánh đố độc giả, nhưng mình thì không thích, đọc một lần rồi thôi.

có những nhà văn viết về nỗi đau sâu thẳm trong nội tâm hay và tiêu biểu đến mức tạo nên trào lưu đọc của độc giả, một trong những nhà văn đó là nhà văn L. trong một lần bà ghé thành phố mình, mình ngồi dự cuộc họp mặt mà không khỏi xấu hổ vì không nói được tiếng pháp, còn bà ấy thì không nói tiếng việt. một người việt không học tiếng việt chỉ vì thứ tiếng này mang một âm hưởng bi thương trong tâm hồn tôi, nó làm tổn thương tôi trầm trọng và tôi cảm thấy nó sẽ giết mình. thì thực sự có cảm giác đó là đỉnh cao của yêu và hận. còn mình bảo nếu mà thập niên 70 thì chắc những người tham gia có thể trao đổi tiếng pháp với nhà văn rồi, có đâu ngồi láo nháo mà nghe cũng nháo nhào như vậy.

trở lại câu chuyện hai dịch giả nhân vật chính của lần này, một người lên cao của việc viết chữ và một người chuyên sâu của việc dịch chữ. không biết nên nói cái nào hơn cái nào, mình thì thích việc rõ ràng hơn là lòng vòng trong ngữ điệu của nhiều người. dịch là một chuyện không đơn giản. vì dịch là sáng tạo ra chữ mới từ một giải thích của ngôn ngữ khác. ví dụ một vài chữ tìm trên mạng khi mình đọc đời nhẹ khôn kham, vừa đưa cụm từ này lên mạng lập tức nó dẫn đến một tác phẩm duy nhất là The Unbearable Lightness of Being. nghĩa là cụm từ này đặc biệt đến nỗi trong thuật toán của google nó chỉ có một. và cũng từ đây, mình đã tìm được blog của trịnh y thư, dịch giả tạo nên cụm từ này để đọc và học thêm về tiếng việt.

ở vai trò dịch giả rất dễ bị lôi cuốn vào văn phong của nhà văn. có hai thứ sẽ bị tráo đổi, hoặc là dịch giả bị nhà văn lôi cuốn hoặc nhà văn bị dịch giả huyễn hoặc. cách nào cũng sẽ dẫn đến việc một trong hai người sẽ bị ảnh hưởng, hay nói một cách khác là giàu vốn từ. mình có một người bạn, sau khi đọc phan khôi một thời gian thì nói chuyện có hơi hướm của phan khôi. cho nên tìm được bản sắc của riêng cá thể và không để bị dẫn dắt và nhiễm là một chuyện hết sức quan trọng trong việc hành văn. giống như con nít khi tập nói, hoặc học một ngôn ngữ mới, ban đầu là bắt chước, sau dần dần hiểu rõ thì bỏ bắt chước mà chuyển sang sáng tạo.

một trong hai dịch giả, nhân vật chính mình bàn đã bị nhiễm. khi đọc văn của anh sẽ thấy văn của nhiều người, và rất nhiều người. việc này cũng giống như một đứa trẻ thích việc bắt chước là hay nên bắt chước hoài mà không chịu lớn.

mặt khác, cũng khó nói trong công cuộc sáng tạo chữ mới từ chữ không có trong từ điển, dịch giả cũng giống như người có công tạo nên từ điển sau này. với vai trò người đọc, việc tạo từ này vẫn phải thấm đẫm sự trong sáng của ngôn ngữ chính. ở ví dụ này là tiếng việt. nên có câu tiếng việt cần phải trong sáng. trong sáng trong chuyển ngữ là làm người đọc ở một cấp bậc trung bình có thể hiểu được hàm ý đã được chuyển, và ngữ pháp cũng như biện pháp tu từ rõ ràng, bổ ngữ đúng chỗ.

ở điểm này, mình dẫn sách triết của bác bùi văn nam sơn dịch làm chuẩn. đọc dẫn nhập của bác ấy lúc nào cũng rõ ràng. thể hiện người giỏi tiếng việt, hiểu tiếng việt và hiểu văn bản mình dịch một cách cẩn thận.

đọc một bài viết mà cảm giác sau khi đọc không thấy mông lung, câu chữ dẫn người đọc đi đúng đường, như có ngọn đèn trong từng đoạn đó là yếu tố cho thấy người viết có một suy nghĩ mạch lạc. việc chơi chữ trong trường hợp này, thường dùng một là theo hướng từ đắt hai là theo ý ngầm dẫn đến nghĩa có nhiều tầng. trong cả hai trường hợp thì người đọc trung bình đều có thể hiểu được.

thế nên, mình mới bảo chữ nhiều thật. đọc là lạc luôn trong rừng chữ. tìm lối ra mà không thấy. do ý không liền mạch nên người đọc thấy hay mà không hiểu. như vậy, người viết có một phần thất bại do viết là chuyển ý thành chữ, mà sau khi chuyển xong chữ đi theo chữ, ý đi theo ý là sự không liền mạch trong tư duy diễn đạt.

nên làm một nhà văn trước hết là người kể chuyện giỏi, sau đó là người viết giỏi. nếu không thì sẽ làm loạn người đọc. rồi khi chuyển ý thất bại thì tự cho rằng do người đọc kém cỏi, không hiểu hết ý của mình. mà làm người đọc cũng không dễ, tính đầu tiên phải có là kiên nhẫn. kiên nhẫn đọc hết câu này sang câu khác, đọc nửa chừng không theo kịp ý thì phải nghỉ rồi đọc tiếp.

mình đọc hai bạn ấy cũng hết hơi luôn. nói thì nói vậy, chứ quí hai bạn ấy. một là người ta chịu khó hơn mình mới cày trên chữ như vậy, lúc trước mình cũng ham hố, ôm một tuyển tập truyện ngắn rất hay dịch, dịch đâu được có 1-2 truyện là đuối, ngồi đọc không thôi. hai là công phu lúc nào cũng cần tu tập, dù sự tu tập giữa hai bạn có khác nhau dẫn đến thành quả khác nhau thì vẫn hơn mình, người chỉ có đọc mà không tu tập. ba là sự thú vị. hai bạn có duyên nằm trong tầm ngắm của mình, rồi mình nghiên cứu, so sánh và theo dõi mới thấy sự khác biệt từ lúc cả ba còn trẻ đến lúc sau này. có thể mình sẽ theo một bạn và bỏ một bạn nhưng cái duyên đó là may mắn trong đời mình.

hôm mình đi khám bệnh, bác sĩ hỏi ngôn ngữ đầu tiên của bạn là gì , họ không hỏi tiếng mẹ đẻ là gì, vì họ cho rằng người ta rồi sẽ có ngôn ngữ thứ n sau ngôn ngữ đầu tiên và người ta cũng mặc định rằng trình độ giữa các ngôn ngữ là như nhau, con số chỉ là một thứ phân biệt chứ không ruột rà máu mủ. về mặt nào đó, não của người châu á cũng giống não của người châu âu, máu người thì giống nhau. thấy không liên quan gì đến bài viết hết trơn. nên mấy bạn đọc đến đây nên cẩn thận. 😀

 

Bình luận về bài viết này